[GIẢI ĐÁP]: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn là gì?

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một câu tục ngữ được ông cha ta truyền lại để răn dạy con cháu về cách nhìn nhận và đánh giá con người. Vậy ý nghĩa của tốt gỗ hơn tốt nước sơn là gì? Cùng đi tìm hiểu rõ hơn về câu tục ngữ này trong nội dung bài viết hôm nay nhé! 

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn là gì?

Theo Wiktionary, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” được giải thích theo 2 nghĩa.

1. Nghĩa đen

“Gỗ” và “sơn” được nhắc đến ở câu tục ngữ đại diện cho 2 khía cạnh về nội dung và hình thức. Cụ thể:

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn là gì?
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn là gì?
  • “Gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, thường được sử dụng để làm vật liệu xây dựng hay bàn ghế, vật dụng, giấy,… 
  •  “Nước sơn” là lớp bề mặt bên ngoài người ta phủ lên gỗ để tránh mối mọt và đem lại tính thẩm mĩ.

⇒ Câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhấn mạnh việc khi chúng ta đánh giá vật dụng làm bằng gỗ thì nên quan tâm đến ruột gỗ, thớ gỗ bên trong hơn là màu sắc và nước sơn bên ngoài. Nói cách khác, chúng ta cần coi trọng chất lượng chứ không nên quá chú trọng hình thức bên ngoài.

2. Nghĩa bóng 

Từ ý nghĩa chân thực trong cuộc sống, câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó là lời khuyên về cách nhìn nhận và đánh giá một con người, nên quan tâm đến phẩm chất hơn ngoại hình của họ. Hình thức bên ngoài dễ nhìn thấy và dễ trau chuốt; nhưng phẩm chất bên trong mỗi người mới là điều cần phải chú trọng để hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Ý nghĩa mở rộng của “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
Ý nghĩa mở rộng của “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Khi nhắc đến vẻ đẹp tâm hồn của con người, chúng ta cũng từng nghe câu “cái nết đánh chết cái đẹp”. Thật vậy! Chúng ta nên chăm sóc cho tâm hồn mình; cần chú trọng việc suy nghĩ và hành động sao cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội. Bởi vì “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – Hình thức bên ngoài chỉ là lớp vỏ bọc, không thể phản ánh đúng bản chất.  

Ví dụ điển hình nhất là trong “Chí Phèo” của Nam Cao. Bà ba Bá Kiến xinh đẹp và quyến rũ chính là nguyên nhân khiến cho Chí Phèo từ 1 người lương thiện phải vào tù, trở thành “con quỷ”. Ngược lại, Thị Nở tuy xấu xí nhưng lại chăm sóc cho Chí Phèo khi bệnh nặng, không kỳ thị Chí như những người làng. Chính tấm lòng của Thị đã cảm hóa được Chí và khiến anh khát khao quay về con đường lương thiện. 

Tại sao “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”?

Từ thời xa xưa, ông cha ta đã đề cao lối sống đạo đức và nhân cách của con người. Và lời khuyên “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là rất đúng, bởi vì:

Người có tâm hồn và nhân cách tốt đẹp sẽ nhận được sự kính trọng từ mọi người
Người có tâm hồn và nhân cách tốt đẹp sẽ nhận được sự kính trọng từ mọi người
  • Hình thức bên ngoài có vai trò quan trọng, nhưng lại không thể quyết định tất cả; vì theo thời gian hình thức đó có thể thay đổi.
  • Vẻ đẹp bên trong (tâm hồn, phẩm chất và đạo đức) sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian, quyết định đến ấn tượng với mỗi người.
  • Con người có tâm hồn và nhân cách tốt đẹp sẽ nhận được sự kính trọng, yêu mến từ những người xung quanh.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nói về đức tính gì của con người?

Khi bước ra ngoài xã hội, chúng ta sẽ gặp nhiều kiểu người khác nhau và tùy vào hoàn cảnh mà con người sẽ bộc lộ những phẩm chất của mình. Một trong những đức tính quý giá của con người chính là sự giản dị, khiêm tốn mà “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” muốn nhắc đến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người vĩ đại từ những điều giản dị nhất!
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người vĩ đại từ những điều giản dị nhất!

Theo đó, lối sống giản dị, chan hòa, chân thành với mọi người. Một người giản dị cũng đồng nghĩa với việc họ không dùng hình thức cầu kỳ, bắt mắt để che đậy khuyết điểm của mình. Khi con người không chạy theo các nhu cầu về vật chất hay địa vị xã hội, thì họ sẽ chú trọng đến tu dưỡng phẩm chất đạo đức cho mình. 

Do đó, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” khuyên chúng ta phải nhớ hoàn thiện trí tuệ, nhân phẩm và cốt cách của bản thân; chứ đừng sống xa hoa, phô trương về hình thức. Vì giản dị là sự kết hợp giữa vẻ đẹp bên trong và bên ngoài của một con người; người sống giản dị sẽ luôn tạo được sự chân thật, gần gũi với người khác.

Bên cạnh đó, khi hình thành đức tính giản dị cũng là cách giúp con người tự hoàn thiện bản thân tốt hơn. Qua đó chúng ta biết sống phù hợp với từng điều kiện và hoàn cảnh của mình. 

Xem thêm:: Khổ tận cam lai nghĩa là gì?

Bàn luận về “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” trong cuộc sống hiện nay

Trên cơ sở quan điểm của người xưa, ngày nay chúng ta nên bàn luận về “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – đánh giá con người như thế nào cho đúng? 

Theo đó, chúng ta đều biết là giữa nội dung và hình thức có một mối tương quan với nhau. Nội dung quyết định hình thức, ngược lại hình thức làm tăng thêm giá trị cho nội dung. Chính vì vậy, khi nhận xét đánh giá về 1 người nào đó thì chúng ta hãy bình tĩnh, sáng suốt tìm hiểu và phân tích để có được những kết luận đúng đắn và chính xác nhất!

Chăm chút cả vẻ bề ngoài và phẩm chất bên trong!
Chăm chút cả vẻ bề ngoài và phẩm chất bên trong!

Thống nhất với quan điểm của người xưa, chúng ta vẫn sẽ lấy phẩm chất (đạo đức, tài năng,…) để làm tiêu chuẩn cơ bản và làm thước đo giá trị con người. Hãy căn cứ vào chất lượng và mục đích của công việc để đánh giá người tốt, kẻ xấu. Đồng thời hãy đặt họ vào các mối quan hệ với gia đình, nhà trường và xã hội. Người tốt sẽ là người có lương tâm và có trách nhiệm với bản thân, với mọi người.

Bên cạnh đó, chú trọng nội dung nhưng chúng ta cũng không nên xem nhẹ hình thức; vì hình thức phần nào phản ánh nội dung. Xưa nay, các bậc vĩ nhân hay các nhà bác học thường rất giản dị; nhưng dù giản dị nhưng rất nghiêm túc và tôn trọng mình, tôn trọng người khác. Trái lại, những kẻ thích phô trương về hình thức thì bên trong lại hời hợt và trống rỗng. Nếu như kết hợp được 1 cách hài hòa giữa nội dung và hình thức thì tất nhiên giá trị con người sẽ tăng lên rất nhiều.

Câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” dù xuất hiện đã khá lâu, nhưng cho đến nay nó vẫn giữ nguyên giá trị. Đó là lời khuyên sáng suốt và thiết thực trong cách đánh giá sự vật, con người trong mọi hoàn cảnh. Song song với đó, nó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai đang chỉ chạy theo hình thức, sự hào nhoáng bên ngoài mà quên đi phẩm chất tốt đẹp – yếu tố cơ bản tạo nên giá trị đích thực của 1 con người.

Mong rằng nội dung trên đây của chúng tôi đã giúp bạn hiểu tốt gỗ hơn tốt nước sơn là gì. Có thể nói, câu tục ngữ này đã cho chúng ta bài học kinh nghiệm về cách nhận định và đánh giá một sự vật, con người. Đồng thời cũng nhắc nhở ta rèn luyện, tu dưỡng bản thân để tự nâng cao phẩm chất của chính mình. 

About Phạm Xuân Thanh

Tôi là Phạm Xuân Thanh – Tôi đã có kinh nghiệm hơn 3 năm review đánh giá về các loại máy móc công nghiệp, thiết bị vệ sinh công nghiệp, cách chăm sóc xe hơi. Tôi hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về các công dụng, chức năng của các loại thiết bị công nghiệp và các cách chăm sóc xe hơi này.

View all posts by Phạm Xuân Thanh →