Văn biểu cảm là gì? Hướng dẫn chi tiết cách làm văn biểu cảm

Chúng ta được làm quen với khái niệm văn biểu cảm từ chương trình ngữ văn trung học cơ sở. Để học sinh hiểu hơn về dạng văn này cũng như dễ dàng phân biệt với các thể loại văn xuôi khác, hãy cùng chúng tôi hệ thống lại kiến thức văn biểu cảm là gì các cách làm cụ thể nhé!

Văn biểu cảm là gì?
Văn biểu cảm là gì?

Văn biểu cảm là gì?

Văn biểu cảm là loại văn được viết nhằm thể hiện cảm xúc, tư tưởng, cách nhìn nhận, đánh giá của con người về một sự vật, hiện tượng nào đó. Những tình cảm trong bài viết thường mang tính nhân văn như tình yêu giữa người với người, tình yêu với trái đất, với thiên nhiên,…

Tại chương trình học cơ sở, các chủ đề văn biểu cảm bao gồm:

  • Biểu cảm về một ai đó (người thân, giáo viên, bạn bè,…)
  • Biểu cảm về các sự vật, hiện tượng, vẻ đẹp thiên nhiên (ngôi trường, vườn cây, cánh đồng, đêm trăng, sông, suối,…)
  • Biểu cảm về tác phẩm văn học

Nhìn chung, đề văn biểu cảm khá đa dạng, được đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng dù đưa ra ở chủ đề nào thì hầu hết đều hướng đến mục tiêu lôi cuốn người đọc đến với những cảm xúc tích cực trong cuộc sống.

Phương thức trình bày văn biểu cảm

Khi viết văn biểu cảm, chúng ta có thể thể hiện tình cảm, cảm xúc theo phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

  • Trực tiếp: học sinh sẽ sử dụng những ngôn từ đời thường, giản dị để bộc lộ những nỗi niềm, cảm xúc trong lòng mình.
  • Gián tiếp: gửi gắm tư tưởng, tình cảm thông qua một hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng. Những hình ảnh này sẽ khiến cho tình cảm trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Trong văn biểu cảm, cần thể hiện tình cảm một cách chân thật, trong sáng để tạo được lòng tin và sự đồng cảm từ phía người đọc. Có như vậy, bài văn mới đạt hiệu quả và có giá trị.

Các phương thức biểu đạt văn biểu cảm
Các phương thức biểu đạt văn biểu cảm

Bố cục một bài văn biểu cảm

Sau khi tìm hiểu văn biểu cảm là gì, hãy cùng xem bố cục một bài văn biểu cảm bao gồm những phần nào nhé!

  • Mở bài: Giới thiệu về sự vật, hiện tượng, thời gian, không gian và những cảm xúc ban đầu của người viết.
  • Thân bài: Qua miêu tả, tự sự,… người viết sẽ bộc lộ cảm xúc một cách cụ thể và sâu sắc nhất.
  • Kết bài: tổng kết lại tình cảm hoặc nâng lên thành một bài học tư tưởng. Lưu ý phần mở bài và kết bài cần có quan hệ gắn bó với nhau để thể hiện rõ chủ đề bài viết.

Trong quá trình viết bài, cần lưu ý đến các đặc điểm:

  • Đối tượng biểu cảm: đối tượng thường sẽ là sự vật, hiện tượng gợi lên cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ. Chủ thể có thể là con người, sự việc, sự vật, hiện tượng tự nhiên.
  • Nội dung biểu cảm: vì đời sống tâm hồn con người khá phong phú, sôi động nên nội dung biểu đạt cũng không kém phần đa dạng. Hãy bày tỏ cảm xúc khi có cơ hội chiêm những những cảnh đẹp của trời, trăng, sông, núi, đồng thời thể hiện tình cảm tích cực với các mối quan hệ hàng ngày, sự nhân ái trong cuộc sống cộng đồng.

Xem thêm::
Azota là gì? Hướng dẫn sử dụng phần mềm Azota cho giáo viên và học sinh
Bạn đã biết sau off là gì chưa?

Các bước làm văn biểu cảm

Để hoàn thiện một bài văn biểu cảm, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Tìm hiểu đề

Tại đây, người viết cần đọc kỹ đề bài, xác định rõ đối tượng được đề cập tới.

Bước 2: Tìm ý chính

Xác định bài viết gồm những nội dung gì, đi theo trình tự như thế nào, chỗ nào cần sử dụng yếu tố biểu cảm trực tiếp, chỗ nào cần biểu cảm gián tiếp. Bên cạnh đó, cần lựa chọn thêm các yếu tố khác để hỗ trợ cho thể loại chính (ví dụ như yếu tố tự sự, miêu tả).

Bước 3: Lập dàn bài

Từ những ý đã tìm ra, người viết sẽ triển khai dàn bài với đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài như đã nêu ở trên.

Bước 4: Viết bài

Tiến hành viết bài theo dàn ý đã lập sẵn, đảm bảo đúng mạch cảm xúc đề ra.

Bước 5: Chỉnh sửa

Đọc lại bài viết và sửa lỗi nếu có. Lưu ý đặc biệt đến các lỗi dùng từ, diễn đạt,…

Các bước làm văn biểu cảm
Các bước làm văn biểu cảm

Các dạng văn biểu cảm chủ yếu

Các dạng ăn biểu cảm chủ yếu bao gồm:

Biểu cảm về con người

Đây là dạng văn biểu cảm thể hiện tình yêu, thương mến hay nỗi nhớ nhung với một người nào đó như người thân (ông bà, cha mẹ,…) hay người bạn, thầy cô,…

Dàn ý chi tiết cho bài văn biểu cảm về người:

Mở bài: Giới thiệu khái quát về nhân vật và tình cảm với người đó.

Thân bài:

  • Miêu tả qua về nhân vật, giúp người đọc hình dung cụ thể hơn về đối tượng được nhắc đến.
  • Bày tỏ tâm tư, tình cảm về nhân vật đó.
  • Phần biểu cảm có thể trình bày theo thứ tự từ miêu tả đến biểu cảm, hoặc qua những câu chuyện, kỷ niệm với nhân vật đó.

Kết bài:

  • Một lần nữa khẳng định lại tình cảm của mình với nhân vật.
  • Bày tỏ quan điểm, đánh giá về nhân vật.

Biểu cảm về sự vật

Đối tượng biểu cảm ở đây khá đa dạng, bao gồm cây cối, đồ vật, con vật, dòng sông,…

Mở bài: Giới thiệu khái quát về sự vật.

Thân bài:

  • Miêu tả về sự vật.
  • Bày tỏ cảm xúc.

Kết bài:

  • Khẳng định lại tình cảm.
  • Mở rộng vấn đề: đánh giá, đưa ra nhận định hoặc kêu gọi sự đồng tình từ phía người đọc.
Biểu cảm về sự vật
Biểu cảm về sự vật

Biểu cảm về tác phẩm văn học

Đây là một dạng văn khó. Theo đó, người viết cần bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận về một tác phẩm nào đó, từ đó có những đánh giá, nhận định về nội dung cũng như giá trị nghệ thuật hàm chứa trong đó.

Mở bài: giới thiệu khái quát về tác phẩm văn học.

Thân bài:

  • Giới thiệu về tác giả, hoàn cảnh sáng tác để người đọc hình dung được cơ bản về tác phẩm.
  • Phân tích tác phẩm từ nghệ thuật đến nội dung.
  • Bày tỏ suy nghĩ về tác phẩm.
  • Đánh giá về tính nghệ thuật bao trùm lên tác phẩm.

Kết bài:

  • Một lần nữa khẳng định cảm nghĩ của mình.
  • Mở rộng: so sánh với tác phẩm khác cùng đề tài để nêu bật được cái hay mà tác phẩm sở hữu, từ đó có đánh giá khách quan và chân thực nhất về nhận định của mình.
Biểu cảm về một tác phẩm văn học
Biểu cảm về một tác phẩm văn học

Ví dụ về văn biểu cảm

Nếu qua những thông tin trên, bạn đã phần nào mường tượng ra khái niệm văn biểu cảm là gì nhưng vẫn chưa biết cách viết như thế nào, hãy cùng tham khảo một số ví dụ dưới đây nhé!

Bài văn biểu cảm về mẹ

Trong cuộc đời của mỗi người, chắc hẳn mẹ luôn là người quan trọng nhất, luôn là điểm tựa vững chắc trên từng bước đường đời của con. Đặc biệt nụ cười của mẹ đẹp tựa những tia nắng ấm, giúp con có thêm sức mạnh và động lực để tiến bước vào tương lai với nhiều hoài bão.

Mẹ tôi không phải là người xinh đẹp nhất, nhưng đối với tôi mẹ luôn rạng ngời, là hình mẫu để tôi phấn đấu trở thành. Mỗi khi mẹ nhìn tôi cười trìu mến, dường như bao âu lo muộn phiền đều tan biến.

Còn nhớ những kỉ niệm ngày đầu tiên đến trường. Trước khi vào lớp, mẹ đã mỉm cười động viên tôi. Nụ cười ấy như tiếp thêm sự tự tin cho tôi trong hành trình đầu tiên của cuộc đời. Rồi đến khi dần trường thành, không ít lần tôi mắc lỗi khiến cho mẹ phải phiền lòng. Nhưng cuối cùng, mẹ vẫn mỉm cười ôm lấy tôi vào lòng và nói rằng mẹ cảm thấy hạnh phúc khi tôi đã nhận ra lỗi lầm của bản thân. Bấy giờ tôi nhận ra rằng không có người mẹ nào không bao dung đến mức không thể tha thứ lỗi lầm cho đứa con của mình. Rồi những khi tôi bị ốm, mẹ lo lắng thức trắng bên cạnh để chăm sóc. Tay mẹ nắm chặt lấy tay tôi không rời. Khi tôi tỉnh lại, ánh mắt mẹ như rạng rỡ hẳn lên.

Càng lớn khôn, tôi càng hiểu rõ hơn những vất vả của mẹ. Bởi vậy mà tôi luôn cố gắng học tập thật tốt, giúp đỡ mẹ những công việc nhà đơn giản. Hai mẹ con tôi vừa làm việc, vừa trò chuyện với nhau rất vui vẻ. Mẹ hỏi chuyện học hành, bài vở rồi chuyện bạn bè. Chính nhờ mẹ đã khiến gia đình thêm hạnh phúc.

Tình mẹ tựa như biển cả bao la rộng lớn, chỉ một nụ cười của mẹ nhưng chan chứa tình yêu thương. Yêu mến biết bao người mẹ vĩ đại đã dành cho tôi những tình yêu thương sâu sắc.

Văn biểu cảm về mẹ
Văn biểu cảm về mẹ

Bài văn biểu cảm về loài cây em yêu

Mỗi một loài hoa đều sở hữu cho mình vẻ đẹp, hương thơm và ý nghĩa riêng. Ở miền Bắc vào những ngày xuân năm mới, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp những cánh đào hồng tươi. Còn đối với người miền Nam thì hoa mai là linh hồn, là sắc đẹp của năm mới.

Hoa mai và hoa đào sở hữu những đặc điểm khá giống nhau. Hoa đào có nhiều loại, có hoa màu hồng phấn nhẹ nhàng, nhưng có những cây lại màu hồng đậm quyến rũ. Riêng hoa mai chỉ có một màu vàng tươi đầy sức sống. Lá mai xanh nhọn, tựa như lá chè, xanh tốt từ những ngày mùa xuân. Đến đầu đông, lá sẽ bắt đầu lác đác rụng nhường chỗ cho những nụ hoa. Những chiếc lá nhẹ nhàng rơi xuống, dành sự hy sinh cao cả để nhen nhóm lên cho sự sống cho những cánh hoa vàng tươi. 

Thân mai màu nâu đậm, uốn éo, uyển chuyển. Và bên trong những cành cây khẳng khiu ấy chính là sức sống mãnh liệt, tiềm tàng. Từng nụ hoa chắt chiu dinh dưỡng, chỉ mong chờ đến ngày được nhú ra, khoe sắc với đất trời. Những chùm nụ nhỏ nhắn, chúm chím trông giống như chùm hoa phượng thu nhỏ. Nụ mai bé bằng đầu ngón tay út, xanh rì và bóng mượt. Khi năm cũ chuẩn bị qua đi, mai sẽ bắt đầu hé nở, để lộ ra những cánh hoa mỏng tang vàng tươi – thứ màu sắc tràn đầy sức sống mà ai nhìn vào cũng cảm thấy trào dâng một niềm vui bất tận.

Hoa mai năm cánh tựa hoa đào, chỉ khác rằng chúng màu vàng, dẻo dai và mạnh mẽ. Mỗi dịp Tết đến, nhà nào cũng ẵm cho mình một cây mai để trang trí. Sắc mai làm cho không khí ngày Tết càng thêm ấm cúng và tươi vui. Những câu đối đỏ cùng với những phong bao lì xì xen kẽ với màu vàng của những cánh mai trông mới tuyệt đẹp làm sao. Không có mai, ngày Tết cũng bớt đi một phần rực rỡ.

Người ta uốn mai theo nhiều thế khác nhau. Có cây mọc thẳng, tỏa ra nhiều tầng hoa. Có cây lại bò dài rồi uốn lượn mềm mại như những chú công. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, mai càng thêm đằm thắm và quyến rũ như những cô gái đang độ tuổi trăng tròn. Mai có thể đặt trước cổng nhà, đặt trong phòng khách, dù nông thôn hay thành thị đều không thể thiếu bóng dáng của cây mai.

Mai đem đến tài lộc, đem đến sức sống cho năm mới chuẩn bị đến. Tôi không biết người Bắc yêu hoa đào như thế nào, nhưng với những người dân miền Nam chúng tôi, hoa mai được coi là linh hồn, là biểu tượng cho một năm mới. Nhìn thấy sắc mai vàng đang hé nở, chắc hẳn ai ai cũng bồi hồi và háo hức nhanh chóng trở về bên gia đình đoàn viên, để cùng nhau trò chuyện, sẻ chia những khó khăn suốt năm qua, cùng nhau cố gắng cho một năm mới sung túc, đầy đủ và hạnh phúc hơn.

Hoa mai là nét đẹp truyền thống không thể bỏ qua của dân tộc Việt. Tôi yêu hoa mai, yêu cả ý nghĩa cao đẹp của nó.

Văn biểu cảm về cây mai
Văn biểu cảm về cây mai

Bài văn biểu cảm về cây phượng

Mùa hè là mùa học sinh phải chia tay mái trường thân yêu. Và mỗi độ hè về, hàng phượng vĩ trên sân trường lại càng rực rỡ. Hoa phượng – hoa của tuổi học trò.

Những cây phượng trên sân trường có lẽ được trồng từ rất lâu rồi. Thân cây to lớn, phải mấy học sinh ôm mới hết. Gốc phượng xù xì in hằn dấu vết của thời gian. Những cành cây như những cánh tay sải dài đến hàng mét. Rễ phượng to nổi cả lên mặt đất. Lá phượng lại rất nhỏ bé và mong manh, chỉ to bằng nửa đầu ngón tay, đan lại với nhau thành nhiều tầng để nâng đỡ những chùm hoa.

Cứ vào khoảng tháng năm, hoa phượng lại nở đỏ rực cả một vùng trời. Hoa có năm cánh, không mọc riêng rẽ mà kết lại thành từng chùm. Khi nở, hoa phượng xòe ra như bướm, bốn cánh đỏ rực, cánh còn lại trắng ngà điểm thêm nhiều chấm đỏ, dày và cứng hơn. Nhị hoa vươn dài, đầu to, mang theo túi phấn hơi cong. Những tia nắng hè vàng rực càng khiến sắc đỏ của hoa phượng thêm sáng, thêm tươi. Màu hoa phượng khiến cho lũ học trò lưu luyến mái trường.

Có thể nói, cây phượng đã gắn bó với bao đời học trò. Vào mỗi giờ ra chơi, chúng em lại cùng nhau ngồi dưới gốc phượng trò chuyện, tâm sự. Từng tốp học sinh chơi đùa, đá cầu, nhảy dây dưới gốc cây. Trên cây, những chú ve kêu râm ran. Tiếng ve như đang gọi những nụ hoa còn e thẹn náu mình trong chiếc vỏ non xanh thức dậy, dậy mà thưởng thức tiếng nhạc và cùng nhau khoe sắc. 

Không chỉ vậy, cứ mỗi khi phượng nở là chúng em lại cảm thấy háo hức vô cùng. Bởi một mùa hè sôi động đã đến. Nhưng với các anh chị cuối cấp, hoa phượng lại gắn liền với sự chia ly. Cây phượng đã đứng đó, chứng kiến biết bao lứa học trò trưởng thành, biết bao cuộc chia ly, bao nụ cười, bao giọt nước mắt.

Hoa phượng như một biểu tượng của mùa hè. Hoa phượng nở đồng nghĩa hè đã về. Em cảm thấy yêu biết mấy loài cây của tuổi học trò này.

Trên đây là những thông tin mà chúng tôi muốn cung cấp nhằm giải đáp câu hỏi văn biểu cảm là gì?. Mong rằng bài viết hữu ích trong quá trình học tập, làm việc của bạn.

About Phạm Xuân Thanh

Tôi là Phạm Xuân Thanh – Tôi đã có kinh nghiệm hơn 3 năm review đánh giá về các loại máy móc công nghiệp, thiết bị vệ sinh công nghiệp, cách chăm sóc xe hơi. Tôi hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về các công dụng, chức năng của các loại thiết bị công nghiệp và các cách chăm sóc xe hơi này.

View all posts by Phạm Xuân Thanh →