Các bài kiểm tra sa hình luôn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người khi thi bằng lái xe. Vậy sa hình là gì? Làm sao để vượt qua được các bài kiểm tra sa hình? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để hiểu rõ về vấn đề này và lấy được tấm bằng lái ô tô một cách thuận lợi nhé!
Contents
- 1 Sa hình là gì?
- 2 Cách vượt qua bài thi sa hình lý thuyết
- 3 Bí quyết qua bài thực hành lái xe trong sa hình
- 3.1 Bài 1: Chuẩn bị xuất phát
- 3.2 Bài 2: Kỹ thuật dừng xe để nhường đường cho người đi bộ
- 3.3 Bài 3: Kỹ thuật lái xe lên dốc
- 3.4 Bài 4: Kỹ thuật lái xe qua hàng đinh vuông góc – chữ Z
- 3.5 Bài 5: Kỹ thuật lái xe qua ngã tư có tín hiệu đèn giao thông
- 3.6 Bài 6: Kỹ thuật lái xe đi qua đường quanh co (chữ S)
- 3.7 Bài 7: Kỹ thuật ghép xe vào nơi đỗ (lùi vào nhà xe dọc)
- 3.8 Bài 8: Kỹ thuật dừng xe nơi giao nhau với đường sắt
- 3.9 Bài 9: Kỹ thuật thay đổi số trên đường thẳng
- 3.10 Bài số 10: Kỹ thuật ghép xe ngang (đỗ xe song song)
- 3.11 Bài 11: Kết thúc phần thi sa hình
Sa hình là gì?
Sa hình chính là một sân tập chuyên dụng đối với phần thi thực hành và là hình ảnh mô phỏng các tình huống thường gặp khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đối với phần thi lý thuyết. Người tham gia thi bằng lái ô tô cần phải giải quyết tình huống của những bài thi sa hình theo đúng quy định của pháp luật.
Mục đích của việc kiểm tra cách xử lý tình huống của các bài thi sa hình là giúp cho người điều khiển xe ô tô khi tham ra giao thông có thể lái xe đúng cách, đúng quy định và bảo đảm an toàn cho bản thân. Trong phần thi lý thuyết thì các câu hỏi sa hình sẽ giống như “bài toán” để chờ học viên giải đáp. Đối với phần thi sát hạch sa hình người thi bằng phải trực tiếp lái xe và xử lý tình huống đã được sắp xếp, quy định từ trước.
=> Như vậy các bài kiểm tra sa hình có nghĩa là xử lý tình huống giao thông, người thi phải vận dụng tổng hợp kiến thức về luật giao thông để đưa ra được cách đi đúng luật.
Cách vượt qua bài thi sa hình lý thuyết
Những câu hỏi lý thuyết sa hình được nhiều người nhận xét là phần thi lý thuyết khó nhất. Rất nhiều người đã không qua bài kiểm tra lý thuyết vì làm sai phần này. Do đó dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn 5 nguyên tắc giải sa hình để giúp các bạn vượt qua những câu hỏi sa hình lý thuyết một cách dễ dàng.
Xe tiến vào giao lộ trước được quyền đi trước
Nguyên tắc đầu tiên bạn cần nhớ để có thể vượt qua các câu hỏi sa hình lý thuyết thi bằng lái ô đó là xe nào vào giao lộ trước được quyền đi trước. Nguyên tắc này có nghĩa là khi bánh xe trước của phương tiện nào đã vào giao lộ (đi qua vạch kẻ đường) thì sẽ được quyền ưu tiên đi trước dù trong bất kỳ trường hợp nào.
Quyền ưu tiên
Tiếp theo bạn cần nhớ quyền ưu tiên. Quyền này nói về thứ tự xe được ưu tiên được quy định trong luật giao thông đường bộ Việt Nam. Những xe được ưu tiên được quyền đi trước. Theo quy định hiện hành của luật giao thông đường bộ nước ta thì những phương tiện được ưu tiên gồm:
- Xe chữa cháy
- Xe quân sự
- Xe công an
- Xe cứu thương
Ngoài ra còn một số phương tiện khác được ưu tiên tiếp theo gồm: Xe hộ đê; xe hộ tống; xe làm nhiệm vụ khẩn cấp của Nhà nước, xe làm nhiệm vụ khắc phục thiên tai, dịch bệnh; xe tang…
Đường ưu tiên
Nguyên tắc thứ ba bạn cần nhớ khi làm câu hỏi sa hình lý thuyết đó là đường ưu tiên. Để nhận diện đường ưu tiên chúng ta cần dựa vào biển báo giao thông “Biển số 208 – Giao nhau với đường ưu tiên”
Biển giao nhau với đường ưu tiên được đặt trên đường không ưu tiên nhằm báo trước việc giao nhau với đường ưu tiên. Những xe đi trên đường có biển báo 208 cần phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên khi đi qua điểm giao nhau (ngoại trừ những xe được quyền ưu tiên theo quy định chúng tôi đã nêu ở phần trên).
Hướng ưu tiên
Nguyên tắc thứ 4 bạn cần ghi nhớ đó là nguyên tắc về hướng ưu tiên. Theo quy định của bộ giao thông vận tải về hướng ưu tiên được sắp xếp theo trình tự như sau: xe rẽ phải => Xe đi thẳng => Xe rẽ trái => xe quay đầu
Hướng tay không có xe
Ở nước ta phương tiện giao thông di chuyển theo phía bên tay phải do đó, nguyên tắc hướng tay không có xe được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể như sau:
- Tại ngã 4 giao lộ: Quyền ưu tiên sẽ thuộc về các phương tiện phía bên tay phải không có xe.
- Tại vòng xoay, vòng xuyến: Quyền ưu tiên sẽ thuộc về các phương tiện có hướng đường bên tay trái của của nó không có xe.
Bí quyết qua bài thực hành lái xe trong sa hình
Phần thi thực hành các kỹ thuật lái xe trong sa hình là phần rất khó, rất nhiều người tham gia sát hạch đều cảm thấy lo lắng. Bởi phần này nếu không chú ý sẽ bị trừ rất nhiều điểm. Dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ với các bí quyết để vượt qua 11 bài thi sát hạch lái xe bằng B1.
Bài 1: Chuẩn bị xuất phát
Yêu cầu đề bài: Phần thi này yêu cầu khi xuất phát cần phải bật đèn xi nhan trái (để báo hiệu xe chuẩn đi ra làn đường bên ngoài và hòa vào dòng xe trên đường).
Cách tiến hành bài thi
Trước khi thực hiện bài thi các bạn cần tiến hành kiểm tra và điều chỉnh lại một số vị trí như sau:
- Thực hiện kiểm tra và chỉnh lại ghế lái sao cho phù hợp với mình nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các động khi lái xe như phanh, ga, côn…
- Kiểm tra gương chiếu hậu sao cho khi ngồi lái có thể thấy được điểm bánh xe sau tiếp xúc với về mặt đường.
- Cài lại dây an toàn và để máy nổ chờ hiệu lệnh xuất phát.
- Sau khi có lệnh xuất phát các bạn thực hiện lần lượt các thao tác sau: Bật đèn xi nhan trái => Vào số một, nhả côn từ từ để xe lăn bánh => Khi xe đã đi qua vạch xuất phát khoảng 5m thì tắt xi-nhan => Để xe tự chạy, nhả nửa hành trình của côn, không cần đạp chân ga
Khi thực hiện bài thi các bạn cần phải lưu ý những điểm sau đây để không bị trừ điểm:
- Không thắt dây an toàn sẽ bị trừ 5 điểm.
- Không bật xi nhan trái khi xuất phát sẽ bị trừ 5 điểm.
- Không tắt đèn xi nhan trái khi đã chạy được 5m tính từ vạch xuất phát trừ 5 điểm.
- Quá 20 giây tính từ khi có lệnh khởi hành mà xe chưa qua vạch xuất phát bị trừ 5 điểm.
- Xe ô tô chết máy trừ 5 điểm/1 lần.
- Tốc độ của động cơ trên 4000 vòng/phút trừ 5 điểm.
Bài 2: Kỹ thuật dừng xe để nhường đường cho người đi bộ
Yêu cầu đề bài: Đề bài này yêu cầu các bạn phải dừng xe trước vạch kẻ trắng để nhường đường cho người đi bộ. Đầu xe cần cách vạch trắng không quá 0,5 m.
Cách tiến hành
Bí quyết để qua bài thi thứ 2 – dừng xe nhường đường cho người đi bộ như sau:
- Các bạn để cho xe chạy chậm để có thể quan sát và dừng đúng vị trí dễ dàng hơn.
- Khi đã thấy đến đúng vị trí các bạn thực hiện nhấn nhẹ phanh để ô tô dừng lại.
- Khi đã dừng được 30 giây các bạn nhả chân phanh sau đó từ từ nhả côn xe để xe tiếp tục chạy.
Khi thực hiện bài thực hành này nếu bạn phạm các lỗi sau sẽ bị trừ điểm:
- Không dừng xe đúng vị trí quy định trừ 5 điểm
- Để xe ô tô chết máy trừ 5 điểm/lần
- Lái xe quá tốc độ quy định cứ 3 giây trừ 1 điểm
Bài 3: Kỹ thuật lái xe lên dốc
Yêu cầu đề bài: Điều khiển xe không vượt quy định, không để xe bị tuột dốc quá 50cm. Phải vượt khỏi dốc trong 30 giây đồng thời không được tăng ga quá lớn
Cách thực hiện bài thi
Sau khi qua bài kiểm tra số 2 các bạn nhả hết côn và phanh để xe tự bò lên dốc. Xét về bản chất bài kiểm tra số 3 này giống với bài số 2 ở xe ô tô dừng sau đó đi tiếp. Tuy nhiên, vì lúc này xe đang ở trên dốc nên chịu thêm lực kéo trôi ngược về chân dốc nên không thể đạp côn để xe đi chậm lại. Do đó các bạn cần phải nhắm đúng vị trí cần đỗ để đạp côn và phanh đúng lúc.
Vì hiện tại ô tô đang ở trên dốc nên để đi tiếp các bạn không thể nhả chân phanh sau đó từ từ nhả côn như ở bài 2 được. Làm như vậy xe sẽ bị trôi khỏi dốc. Để xử lý có 2 cách như sau:
- Cách 1: Đây là cách được dạy chính thống tại trường. Khi xe đang dừng trên dốc để chạy tiếp các bạn thực hiện kéo phanh tay để thay cho phanh chân giữ xe tại điểm dừng. Lúc này các bạn đã có thể nhả chân phanh ra và vào chân ga nhấn nhẹ. Song song với đó các bạn nhả côn từ từ, khi thấy tay lái hoặc cần số rung lên (chứng tỏ các lá côn đã bắt vào nhau) thì tiến hành thả nhẹ phanh tay. Nếu thấy xe không bị trượt thì thực hiện thả hoàn toàn phanh tay để xe tự bò lên.
- Cách 2: Đây là cách mà các tay lái nhiều kinh nghiệm thường làm, không cần sử dụng đến phanh tay. Sau khi xe đã dùng lại các bạn thực hiện nhả côn từ từ cho đến khi nhận thấy tay lái hoặc cần số rung lên. Lúc này bạn thả nhẹ phanh chân, nếu thấy xe trôi xuống thì đạp phanh và làm lại. Nếu xe không trôi thì nhả hết phanh chân xe sẽ tự bò lên. Trong trường hợp đã nhả hết phanh chân mà xe vẫn ở yên một chỗ thì các bạn nhấn nhẹ chân ga và hơi nhả côn ra. Khi xe đã di chuyển các bạn vẫn giữ nguyên vị trí chân côn và ga cho đến khi xe qua đỉnh dốc.
Khi thực hiện bài thực hành này nếu bạn phạm các lỗi sau sẽ bị trừ điểm:
- Đỗ xe khi chưa đúng vị trí (trừ 5 điểm)
- Không qua dốc trong vòng 30s sẽ bị loại
- Số vòng động cơ trên 4000 vòng/phút (trừ 5 điểm)
Bài 4: Kỹ thuật lái xe qua hàng đinh vuông góc – chữ Z
Yêu cầu đề bài: Di chuyển 2 bánh xe bên phải của ô tô đi lọt qua 1 đường vạch có bề rộng rơi vào khoảng 30 -35 cm.
Kỹ thuật vượt qua bài thi
Theo như đề bài thì các bạn cần thực hiện 2 yêu cầu đó là đi qua hàng đinh và đi qua đường vuông góc chữ z. Cụ thể như sau:
Đi qua hàng đinh
- Khi rẽ vào tuyến đường hàng đinh các bạn cần đánh lại muộn một chút để xe có thể áp sát lề con đường bên phải. Lái xe đi thật chậm và nhìn vào gương bên phải để có thể quan sát bánh xe sau. Tại các sân thi và sân tập thường kẻ sẵn vạch dẫn đường, vạch này bằng với mép ngoài hàng đinh. Do đó nếu bánh xe cách vạch kẻ dẫn đường 10 -15 cm thì xe sẽ đi qua hàng đinh mà không bị chạm phải mép 2 bên.
- Bên cạnh việc nhìn gương phải các bạn cần căn và bám vào 1 điểm mốc ở phía trước (thường là 1 vạch đánh dấu nằm trên lề tuyến đường trước mặt). Bởi dù khi đầu xe đi đúng khoảng cách với vạch căn bên phải nhưng về sau nếu không giữ được lái tốt xe sẽ dễ bị lệch hướng.
Cách đi qua đường vuông góc chữ z
- Sau khi bạn đã đi qua hàng đinh nếu bạn thấy gương chiếu hậu ngang với góc bên trái thì tiến hành đánh lái sang bên trái. Cùng lúc đó quan sát gương chiếu hậu và trả lái thích hợp để thành xe song song với vạch giới hạn và cách 30 đến 40 cm. Tiếp đến trả lái đến góc vuông thứ 2.
- Tiếp đến các bạn nhìn vào gương chiếu hậu bên phải ngang với góc thứ 2 và tiến hành đánh hết góc lái sang phải sau đó trả lái tiến ra khỏi hình. Để việc trả lái được thuận lợi và nhanh chóng các bạn trước đó cần tập luận thành thục động tác xoay vô lăng.
Lưu ý: Để có thể hoàn thành tốt bài này các bạn cần phải về côn xe đi thật chậm để kịp đánh lái.
Trong quá trình thực hiện bài thi nếu bạn mắc phải một trong những lỗi sau thì sẽ bị trừ điểm:
- Bánh xe chạm vạch trừ 5 điểm/lần
- Bánh xe đè 5 giây trừ 5 điểm
- Quá 2 phút mà chưa hoàn thành bài thi trừ 5 điểm
- Nếu như bánh xe bên phải đi ngoài hàng đi thì sẽ bị loại
Bài 5: Kỹ thuật lái xe qua ngã tư có tín hiệu đèn giao thông
Đề bài: Yêu cầu người lái xe phải chấp hành nghiêm chỉnh các hiệu lệnh của đèn giao thông, thực hiện dừng xe đúng vạch và đi ngang qua ngã tư trong thời gian không quá 20s.
Kỹ thuật vượt qua bài thi
Khi có đèn tín hiệu dừng lại trước vạch và cắt côn. Chờ khi đèn đỏ đếm còn khoảng 2 giây thì các bạn mở côn từ từ để đi tiếp. Trong trường hợp đèn giao thông là đèn xanh còn 3 đến 4 giây thì các bạn cũng không được đi vì khi đèn chuyển sang đèn đỏ xe vẫn chưa kịp qua hết
Trong quá trình thực hiện bài kiểm tra kỹ thuật đi qua ngã tư này các bạn cần lưu ý một số lỗi như sau:
- Đi qua ngã 4 khi đèn đỏ sẽ bị trừ 10 điểm.
- Đỗ xe xa vạch hoặc quá vạch trên 0,5m bị trừ 5 điểm
- Xe chết máy mỗi lần sẽ bị trừ 5 điểm.
- Không thực hành đúng trật tự của bài thi bị trừ 5 điểm.
- Tốc độ vòng quay của động cơ xe quá 4000 vòng/ phút thì cứ 3s bị trừ một điểm.
- Quá 20 giây chưa hoàn thành bài thi sẽ bị trừ 5 điểm
- Quá 30 giây chưa hoàn thành bài thi sẽ bị loại
Bài 6: Kỹ thuật lái xe đi qua đường quanh co (chữ S)
Đề bài: Lái xe qua đường quanh co có hình chữ S và không để bánh xe chạm vạch.
Kỹ thuật vượt qua bài thi
Do phải đi qua đường cong liên tiếp nên bạn cần phải điều chỉnh tay lái theo đường cong. Nguyên tắc khi lái xe ở những đoạn đường cong đó là “tiến bám lưng, lùi bám bụng” (Có nghĩa là khi xe vào những tuyến phố cần ôm cua các bạn nên căn theo phía đường cong dài hơn).
=> Như vậy khi đi vào đường chữ S các bạn cho xe bám sát lề bên phải và đánh lái sang trái cho xe đi nửa vòng cua đầu tiên. Sau đó lại tiến hành bám sang lề đường bên trái, trả lái rồi đánh lái sang phải để cho xe qua nốt nửa vòng cua còn lại.
Trong quá trình thực hiện bài thi này nếu các bạn phạm một số lỗi sau sẽ bị trừ điểm:
- Bánh xe chạm vạch trừ 5 điểm/lần
- Quá 2 phút thời gian quy định của bài sát hạch trừ 5
Bài 7: Kỹ thuật ghép xe vào nơi đỗ (lùi vào nhà xe dọc)
Đề bài: Trong vòng 2 phút hoàn thành việc cho xe lùi được vào nơi đỗ mà không chạm vạch và ra khỏi nhà xe.
Kỹ thuật vượt qua bài thi
- Bước 1: Thực hiện đỡ côn, cho xe bám cách vạch chip màu đen bên người lái khoảng 20-30cm, khi nào vai của bạn đến giữa nhà xe thì tiến hành phanh lại.
- Bước 2: Đánh hết lái phải, cho xe di chuyển đồng thời kết hợp nhìn gương bên trái, khi thành xe bên trái dóng thẳng ra điểm 02 đánh dấu thì phanh lại.
- Bước 3: Thực hiện đánh hết lái trái, vào số lùi và nhả côn chậm cho xe lùi kết hợp với nhìn gương bên trái. Khi nào thành xe đã song song với 2 bên thành nhà xe thì nhấn phanh xe.
- Bước 4: Trả thẳng lái, cho xe ô tô lùi tiếp kết hợp việc quan sát gương phải. Khi đã thấy bánh xe sau bên phải qua vạch màu vàng thì các bạn thực hiện nhấn phanh xe.
- Bước 5: Cài số 1 sau đó cho xe di chuyển, khi nào vai của bạn bằng vạch màu đen bên trái thì thực hiện đánh lái phải và cho xe di chuyển đến bài tiếp theo.
Những lỗi sẽ bị trừ điểm :
- Mỗi lần bánh xe chạm vạch trừ 5 điểm
- Quá thời gian thi nào hai phút trừ 5 điểm
- Khi thời gian thực hiện bài thi quá quy định, cứ quá 2 phút sẽ bị trừ 5 điểm
- Lỗi bánh xe đè lên đường giới hạn ống khí, quá 5 giây trừ 5 điểm
Bài 8: Kỹ thuật dừng xe nơi giao nhau với đường sắt
Đề bài: Dừng xe nơi giao nhau với đường sắt theo đúng quy định
Kỹ thuật thực hiện
Sau khi xuất phát các bạn nên để xe chạy chậm. Khi thấy khoảng cách từ hình chiếu thanh cản phía trước của xe xuống mặt đường đến vạch dừng không vượt quá 500mm thì đạp nhẹ phanh để dừng xe nhẹ nhàng là được. Dừng xe xong thì các bạn nhả côn cho xe chạy tiếp luôn
Một số lỗi trừ điểm khi mắc phải:
- Dừng xe quá 30 S
- Không dừng xe ở vạch quy định trừ 5 điểm
- Xe chết máy trừ 5 điểm
Bài 9: Kỹ thuật thay đổi số trên đường thẳng
Đề bài: Thực hiện lên số 2 và đặt được tốc độ xe trên 24km/h trước biển báo tốc độ tối thiểu 20 km/h. Sau đó về lại số 1 và giảm tốc độ xe xuống dưới 20 km/h
Kỹ thuật để qua bài thi
Sau khi qua nơi giao nhau với đường sắt các bạn rẽ sang tuyến đường để chuẩn bị nâng cao tốc. Chỉnh lái cho xe thẳng, giữ chắc vô lăng và nhả hết côn, phanh. Qua biển “Tăng số, tăng tốc”các bạn nhấn ga để xe nâng cao tốc. Sau đó nhanh chóng sang số hai và tiếp tục nhấn ga tiếp (chỉ cần nhấn nửa ga là đủ đạt tốc độ). Khi đi qua biển 20 màu xanh các bạn tiến hành nhả ga, rà phanh để xe đi chậm lại rồi về số 1 và đi qua biển 20 màu trắng.
Lưu ý: Các bạn không được cắt côn để xe trôi từ từ qua biển 20 màu trắng, bởi đề bài ở đây yêu cầu bạn phải đi qua biển này lúc xe đang có gài số. Nếu bạn cắt côn khiến cho bánh răng số không quay thì sẽ bị trừ 5 điểm.
Bài số 10: Kỹ thuật ghép xe ngang (đỗ xe song song)
Đề bài: Tiến hành lùi xe vào nơi cần đỗ khi 2 đầu và 1 mặt bên cạnh bị khóa bởi vật cản hoặc những xe khác.
Kỹ thuật vượt qua bài thi
- Bước 1: Tiến xe song song với chỗ để xe và dừng ở điểm chuẩn, đồng thời vị trí ngồi của bạn cần phải ngang với điểm chuẩn.
- Bước 2: Đánh hết lái về phía tay trái đồng thời lái xe tiến đến. Quan sát gương bên trái khi nào gương chiếu hậu và thành xe thẳng 1 góc 45 độ so với bãi đỗ
- Bước 3: Lùi xe từ từ vào bãi đỗ ngang cho tới khi gương chiếu hậu bên tay phải song song với vạch giới hạn ngoài.
- Bước 4: Trả thắng lái, cho xe lùi đến khi xe nằm ngang trong bãi đỗ.
Lỗi trừ điểm:
- Thực hiện bài thi quá 2 phút trừ 5 điểm
- Ghép xe không đúng quy định trừ 5 điểm
Bài 11: Kết thúc phần thi sa hình
Đề bài: là đi thẳng qua vạch kết thúc, trước đó phải bật đèn xi-nhan phải để thông báo rằng xe tấp vào lề đường bên phải, chuẩn bị dừng hoặc đỗ xe.
Kỹ thuật thực hiện
- Lái xe đi thẳng về phía vạch trắng kết thúc với tốc độ chậm đồng thời bật xi-nhan phải.
Trên đây là tổng hợp những thông tin về sa hình chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Hy vọng qua bài viết các bạn đã biết được sa hình là gì cũng như cách vượt qua các bài thi sa hình để lấy bằng B2.
Tôi là Phạm Xuân Thanh – Tôi đã có kinh nghiệm hơn 3 năm review đánh giá về các loại máy móc công nghiệp, thiết bị vệ sinh công nghiệp, cách chăm sóc xe hơi. Tôi hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về các công dụng, chức năng của các loại thiết bị công nghiệp và các cách chăm sóc xe hơi này.