Giỗ tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam, đây cũng là một trong những kỳ nghỉ được nhiều người mong đợi. Vậy giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa gì? Tại sao lại lấy ngày mùng 10/3 là ngày giỗ Tổ. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về ngày lễ này của dân tộc nhé!
Đôi nét về giỗ tổ Hùng Vương
Ngày giỗ tổ Hùng Vương hay Quốc giỗ, Lễ hội đền Hùng là tên gọi của một ngày lễ lớn tại Việt Nam để tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng. Ngày lễ này diễn ra vào 10/3 âm lịch hàng năm, với phần lễ chính được diễn ra tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Nét đặc sắc của lễ hội Hùng Vương
Hiện tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1). Đồng thời, đã được UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể. Hàng năm dù ở bất cứ nơi đâu, cứ đến ngày Giỗ tổ là hàng triệu người con đất Việt đều hướng về đất Tổ để tỏ lòng thành kính, tri ân công lao của tổ tiên. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài ca dao dưới đây:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Lễ hội Đền Hùng diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, nhưng thực chất nó đã diễn ra trước đó hàng tuần với nhiều nhiều phong tục hấp dẫn. Vào ngày lễ chính 10/3 âm lịch sẽ diễn ra 2 nghi thức quan trọng đó là Rước kiệu và dâng hương tại Đền Hùng ở Phú Thọ. Hiện nay lễ này được nhà nước ta nâng lên làm Quốc giỗ, sẽ được tổ chức lớn vào những năm chẵn (số cuối của năm là số 0).
Vì sao lễ hội Hùng Vương diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch?
Tại sao ngày mùng 10/3 được chọn là ngày giỗ tổ mà không phải một ngày khác? Chúng tôi sẽ giải đáp câu hỏi này trong phần dưới đây để các bạn hiểu rõ hơn về điều này.
Trước đây, người dân không đi lễ Giỗ tổ đền Hùng vào mùng 10/3 âm lịch mà tự chọn ngày tốt đến bái tế các vua Hùng. Chỉ biết thời điểm đông nhất lúc bấy giờ rơi vào các tháng xuân – thu chứ không chỉ rõ ngày nào. Điều này dẫn đến tình trạng thời gian lễ bái tế kéo dài liên miên, vừa tốn kém tiền của lại không bày tỏ được rõ lòng thành kính cũng như không tập hợp được lòng dân.
Nhận thấy điều này, vào năm 1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ. Trong bản tấu ông đã xin định lệ (quy định) ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày để nhân dân cả nước kính tế Quốc tổ Hùng Vương. Đồng thời, ông cũng đã xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào những kỳ tế lễ mùa thu.
Sau khi nhận được, Bộ Lễ đã ban hành công văn phúc đáp và chính thức quy định ngày quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đồng thời cũng quy định rõ nghi thức, nghi lễ và lễ vật tế Tổ hằng năm. Việc này đã được ghi rất rõ trên tấm bia “Hùng miếu điển lệ bi” được Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ dựng tại đền Thượng của Khu di tích đền Hùng vào mùa xuân năm 1923. Kể từ đó vào ngày 10 tháng 3 âm lịch nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất cội nguồn (xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ) để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.
Giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa gì đối với văn hóa – kinh tế
Ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương là ngày lễ lớn, mỗi năm diễn ra một lần. Vậy nó có nghĩa gì? Cùng chúng tôi khám phá những ý nghĩa sâu sắc của ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 trong phần này của bài viết nhé!
Thể hiện niềm tự hào về truyền thống dân tộc
Ý nghĩa đầu tiên chúng ta có thể dễ dàng thấy được của lễ hội Đền hùng – Lễ giỗ Tổ Hùng Vương đó là thể hiện niềm tự hào dân tộc về nền văn hiến lâu đời ( nước ta đã có mấy ngàn năm văn hiến). Niềm tự hào là con cháu của các vị vua Hùng đã gây dựng lên nước Văn Lang, Âu Lạc từ đó làm nền móng cho đất nước ta hôm nay.
Giỗ tổ Hùng Vương cũng là dịp để mỗi chúng ta nhìn nhận lại lịch sử hình thành phát triển của đất nước. Nhìn lại những dấu mốc vàng son của Việt Nam qua các kỳ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, để có được một đất nước như hôm nay là nhờ vào công lao dựng nước và giữ nước của bao thế hệ cha ông đi trước. Từ đó có thể tự hào Việt Nam là một dân tộc anh hùng.
Tăng tình đoàn kết dân tộc
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương còn là cầu nối để gắn kết tình đoàn kết dân tộc. Ngày lễ này giúp chúng ta gợi nhớ đến câu chuyện mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Cái bọc trăm trứng” ấy đã nở ra trăm người con, đây chính là nguồn gốc của sự đang dạng phong phú trong cộng đồng dân tộc của nước ta.
Mỗi người con nở ra từ bọc trăm trứng có một tính cách, một hình hài khác nhau. Một trăm người con ấy chia nhau một nửa lên rừng, một nửa xuống biển xây. Chính điều đó đã tạo nên sự đa dạng và phong phú tộc người ở Việt Nam. Một trăm người con ấy là đại diện cho 54 dân tộc anh em ngày nay. 54 dân tộc, 54 nền văn hóa khác nhau, 54 lối sống khác nhau. Nhưng có cùng một mẹ sinh ra, sống hòa thuận trên dải đất Việt Nam. Cùng nhau xây dựng đất nước, cùng nhau đoàn kết chống giặc ngoại xâm.
=> Giỗ tổ Hùng Vương như lời nhắc nhở mỗi người người con Việt dù ở đâu, làm gì thì cũng đều chảy chung một dòng máu Lạc Hồng, có chung một nguồn cội.
Có ý nghĩa giáo dục về truyền thống của dân tộc
Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 không chỉ đề cao niềm tự hào, nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc mà còn nhắc nhở mỗi người con Việt phải tìm hiểu thấu đáo về bản sắc dân tộc, nguồn cội của mình. Đây một là dịp tuyệt vời để giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Qua đó, mỗi người con đất Việt cần không ngừng học tập, rèn đức luyện tài để có thể phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Có như vậy chúng ta hôm nay mới xứng đáng là con cháu Vua Hùng.
Quảng bá văn hóa – thúc đẩy du lịch phát triển
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương là một dịp quan trọng để giới thiệu ra thế giới một di sản đã trở thành đạo lý truyền thống, thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Hằng năm vào dịp lễ mùng 10/3 âm lịch hàng triệu người con Việt từ khắp mọi nơi hội tụ về Đền Hùng – Việt Trì – Phú Thọ để tưởng nhớ công lao của các vị vua Hùng. Điều này là một yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch văn hóa của tỉnh Phú Thọ nói riêng và nước ta nói chung. Không chỉ vậy sự kiện này còn giúp cho bạn bè quốc tế biết nhiều hơn tới Việt Nam – một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường, bất khuất, có sức sống mãnh liệt và kho tàng văn hóa phong phú.
Trên đây là những thông tin về Lễ hội Đền Hùng – Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được chúng tôi tổng hợp để chia sẻ với các bạn. Hy vọng qua bài viết đã giúp các bạn hiểu rõ được về lễ hội này, biết được Giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa gì đối với Văn hóa – Giáo dục – Kinh tế của nước ta.
Tôi là Phạm Xuân Thanh – Tôi đã có kinh nghiệm hơn 3 năm review đánh giá về các loại máy móc công nghiệp, thiết bị vệ sinh công nghiệp, cách chăm sóc xe hơi. Tôi hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về các công dụng, chức năng của các loại thiết bị công nghiệp và các cách chăm sóc xe hơi này.