Môn đăng hộ đối là gì?

Môn đăng hộ đối là gì? Câu chuyện “môn đăng hộ đối” luôn là một chủ đề gây tranh cãi với quan niệm trai gái lấy nhau thì cả 2 bên gia đình cần có sự tương đồng về điều kiện kinh tế và địa vị xã hội; như thế hôn nhân mới phù hợp, hạnh phúc. Vậy ý nghĩa gốc của câu cổ ngữ này như thế nào? Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu về quan niệm này trong nội dung bên dưới nhé!

Môn đăng hộ đối là gì?

“Môn đăng hộ đối” bắt nguồn từ thành ngữ tiếng Hán “门 当 户 对” – “Môn đương hộ đối” với ý nghĩa là từ ngoài cửa cho đến trong nhà đều tương xứng với nhau của người Trung Quốc. Trong đó, theo diễn đạt theo ngữ pháp xưa thì từ “đương” có thể đọc là “đang” và được người Việt đọc lệch thành “đăng” nên lâu dần trở thành thói quen đọc viết là “môn đăng hộ đối” như hiện nay.

Môn đăng hộ đối là gì?

Nói một cách dễ hiểu, “môn đăng hộ đối” mang nghĩa đen là sự phân biệt quan chức cao thấp và địa vị trong xã hội. Tức ở thời đại phong kiến xưa, các gia đình quan niệm sẽ chỉ chọn gia đình thông gia có cùng phẩm hàm (điều kiện gia đình và địa vị tương xứng); không chọn thông gia có địa vị quá cao hoặc quá thấp so với mình. Có như thế thì cuộc sống hôn nhân sau này của các cặp đôi mới hạnh phúc và ấm êm.

Nguồn gốc của tư tưởng “môn đăng hộ đối”

“Môn đăng hộ đối” là tư tưởng không phải có một cách ngẫu nhiên, mà đều xuất phát từ những cơ sở nền tảng vững chắc từ thời xa xưa. Cụ thể:

1. “Môn đăng” và “hộ đối” nghĩa là gì?

Theo thuyết văn giải tự, từ “môn” (門) được ghép thành bởi 2 chữ “hộ” (戶) đối nhau; nghĩa là phải có sự cân đối thì khi khép lại mới kín kẽ, mới là cái cửa hoàn hảo. Tuy nhiên, trong thuật ngữ kiến trúc và xây dựng cổ thì “môn đang” và “hộ đối” lại là 2 bộ phận cấu thành của 1 cánh cửa. Khi phân tích rộng hơn thì nội dung sẽ không chỉ đơn giản là sự vừa khít của hai cánh cửa.

”Môn đăng hộ đối”xuất phát từ “môn đăng” và “hộ đối”

“Môn đăng”

Là phần bục đỡ trụ gỗ 2 bên cửa, còn thường được gọi là “môn chẩm thạch” (gối đá của cửa), “môn đôn” (đôn của cửa), “môn đài” hay “môn cổ” (trống của cửa). Người xưa quan niệm là tiếng trống vang dội như tiếng sấm sét ở Thiên đình nên có thể tránh được ma quỷ, nhiều gia đình đã đặt cái môn đăng dạng trống trước cửa nhà mình.

Dẫu vậy thì không phải gia đình nào cũng được phép dùng môn đăng, mà phải quan lớn từ tam phẩm trở lên mới được đặt nó.

Môn đăng – Phần bục đỡ trụ gỗ 2 bên cửa

  • Quan văn thì môn đăng hình tròn, quan võ thì môn đăng hình vuông
  • Môn đăng có khắc cỏ cây hoa lá thì là dinh thự của gia đình kinh doanh, buôn bán.
  • Môn đăng để trơn, không khắc hoa lá thì là dinh thự quan lại.
  • Môn đăng có hình linh vật tọa trên bục vuông là dinh thự quan văn.
  • Quan tòng tam phẩm thì có 2 môn đăng, chánh tam phẩm được 4 môn đăng, nhị phẩm được 6 môn đăng, nhất phẩm được 8 môn đăng.
  • Cung vua được bày 9 môn đang.

Do đó, chỉ cần đếm môn đăng là biết nhà của đại quan cỡ nào và căn cứ vào hình dạng của nó để suy ra là quan văn hay võ.

“Hộ đối”

Những quan lại từ tam phẩm trở xuống thì ở thanh đà phía trên khung cửa nhà được đặt đôi trụ hình tròn nhô ra khoảng một tấc gọi là “hộ đối”, mang ngụ ý gia tộc hưng vượng. Tùy vào phẩm hàm mà có hộ đối nhiều ít khác nhau.

Hộ đối là trụ hình tròn nhô ra

“Hộ đối” là các khối kiến trúc hình tròn, hình vuông hoặc hình lục giác có chiều dài 1 thước (33.3 cm) nằm trên đà cửa (mi cửa) và song song với mặt đất. Thông thường, kiến trúc này được chạm khắc 4 mùa hoa lá hoặc khắc các chữ “Đức”, “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Bình an cát tường” để cầu nhân khí thịnh vượng, hương hỏa vững bền.

Hộ đối nhà quan lục phẩm

Do đó, có thể nói “hộ đối” sẽ thể hiện địa vị, đẳng cấp của chủ nhà. Nếu chủ hộ là dân thường thì có 1 đôi, còn là phú hộ hoặc quan lại thì có 2 đôi,… cửa càng rộng thì số lượng sẽ càng nhiều. Vậy nên lại có câu tục ngữ “Thành cặp thành đôi”, chữ “đôi” và chữ “đối” là đồng âm khác nghĩa nên “hộ đối”có thêm nghĩa bóng khác là thành đôi, xứng đôi.

Theo quan niệm người xưa, thân thể người là một tiểu vũ trụ. Trời đất cùng con người hòa hợp thành một thể thống nhất “Thiên nhân hợp nhất”; nhân duyên là do Trời định nên hôn nhân theo ý cha mẹ, dựa vào mai mối. Trước khi người mai mối ngỏ lời sẽ thường quan sát kỹ kích thước trang trí của “môn đang” và số lượng “hộ đối” của 2 nhà.

2. “Môn” và “hộ” trên cơ thể con người

Một số huyệt vị trên cơ thể cũng sử dụng “môn” và “hộ” để đặt tên. Bởi trong Trung y, những huyệt đó chính là nơi để thần khí xuất ra; đồng thời cũng là nơi tà khí nhập vào nên nó được ví giống như cái cửa.

Chức năng của đa số huyệt vị này là kiểm soát sự khép mở, lên xuống và xuất nhập; huyệt vị lấy “môn” để đặt tên chỉ đầu mối then chốt lớn nơi ra vào khí cơ của thân thể có tác dụng trong việc khai thông nối liền âm dương. Cụ thể:

  • Huyệt Chương Môn là hội của tạng, là cửa cho khí của 5 tạng xuất nhập và cũng vị trí ở đầu xương sườn tự do thứ 11. Khi con người tức giận, Chương Môn sẽ đau và ta có thể dùng mồi ngải cứu vị trí này khoảng 10 phút, sẽ giúp thuyên giảm. Ngoài ra, mát-xa huyệt đạo này cũng có thể hỗ trợ trị liệu các chứng đau tức ngực, chướng bụng, nôn mửa, tiêu chảy, tiêu hóa kém,…

Huyệt Chương Môn trên cơ thể người

  • Trên đường kinh Phế của thân thể có huyệt vị quan trọng là Vân môn. “Vân” chỉ hơi nước, “môn” là nơi ra vào; phế khí giống như hơi nước ra vào qua cửa trên thân thể người. Huyệt ở bờ dưới xương đòn gánh, nơi chỗ lõm ngang cơ ngực to ở giữa cơ Delta, nơi có gian sườn 1, cách đường ngực 6 thốn (1 thốn bằng khoảng  3,3cm) và ở trên huyệt Trung Phủ 1,6 thốn; tác dụng chính là tuyên thông Phế khí.

Vị trí của huyệt Vân môn và huyệt Trung Phủ

  • Một huyệt khác tên là Khí hộ ở phía dưới huyệt Trung Phủ (nơi xuất phát của kinh Phế, Phế chủ khí). Huyệt này được coi là nơi cửa ra vào của khí nên tên là Khí hộ; ở sát dưới xương đòn, dưới huyệt Khuyết Bồn 1 thốn, và cách đường giữa ngực 4 thốn có tác dụng trị lưng và ngực đau, khó thở, nấc, suyễn, khí quản viêm.

Qua đó chúng ta có thể thấy được sự phân biệt “môn” và “hộ” từ trong kiến trúc cho đến y khoa đều thể hiện sự khác biệt về mức độ quan trọng, phẩm cấp và mức độ lớn nhỏ. Vậy nên “môn đang hộ đối” không có nghĩa là người nhà có môn đang thì kết duyên với người nhà có hộ đối.

Quan niệm môn đăng hộ đối xưa và nay thế nào?

Hôn nhân là quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, nó dường như không đơn giản chỉ là chuyện của cá nhân mà còn là của cả 2 bên gia đình.  Quan điểm “môn đăng hộ đối” ở nước ta được xem là sự kết hợp giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và Trung Quốc.  

1. Môn đăng hộ đối theo quan niệm ngày xưa

Trước kia, đối với chuyện hôn nhân đại sự thì để cân nhắc sự phù hợp giữa 2 người thì người xưa có thói quen đi xem bát tự của cả hai. Theo âm dương ngũ hành thì tính cách, năng lực và tương lai mỗi người đều sẽ có sự liên quan mật thiết với những yếu tố như ngày giờ, năm sinh.

Xã hội xưa mang nặng tư tưởng “môn đăng hộ đối”

Nếu bát tự của cả 2 phù hợp thì đặc trưng sinh mệnh trong tương lai đôi bên mới có thể bao dung và che chở lẫn nhau. Nếu xét về phương diện tương xứng thì cả 2  bên gia đình sẽ xem xét đến chuyện có môn đăng hộ đối hay không. Do đó, có thể nhận thấy một điều rằng hôn nhân của các cặp đôi thời xưa được xây dựng trên một nền tảng vô cùng vững chắc.

Đặc biệt, với các gia đình khá giả thì tư tưởng “môn đăng hộ đối” lại càng “ăn sâu” hơn. Họ luôn mong muốn tìm được gia đình thông gia tương xứng về mặt địa vị hoặc điều kiện, để đôi trẻ có được cuộc hôn nhân hạnh phúc và suôn sẻ về sau. Còn với gia đình bình thường hoặc khó khăn, không có điều kiện thì thường sẽ không mang nặng tư tưởng này. Dẫu vậy, trong tư tưởng thì họ cũng vẫn muốn tìm được nhà thông gia có điều kiện và nền tảng tốt cho con cái của mình.

2. Môn đăng hộ đối theo quan niệm thời nay

Quan điểm “môn đăng hộ đối” ngày nay không còn quá khó khăn và có phần “dễ tính” hơn so với thời xưa. Nhiều ý kiến cho rằng nó không còn là vấn đề khiến các cặp đôi cần lo lắng hàng đầu khi muốn tiến đến hôn nhân. Bởi, cuộc sống vợ chồng thời nay có hạnh phúc hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố thực tế hơn.

Người trẻ ngày nay đã độc lập hơn rất nhiều, họ không còn phụ thuộc vào gia đình nên quyết định cưới hỏi cũng ít khi bị ảnh hưởng. Khi đó, việc “môn đăng hộ đối” trong tình yêu và hôn nhân đôi khi còn được những người trẻ xem là “chướng ngại” cần vượt qua để chứng tỏ tình yêu.

Hôn nhân ngày nay trở thành giao kết đồng hành, tự do lựa chọn

Suy cho cùng, cuộc sống hôn nhân tương lai của đôi trẻ không nên quá phụ thuộc vào các yếu tố vật chất vì tiền bạc hay địa vị hoàn toàn có thể nỗ lực đạt được; còn tình cảm thì không đơn thuần có được khi nhờ sự cố gắng. Chúng ta chỉ cần thấu hiểu, cảm thông và chấp nhận khác biệt là có thể gắn bó với nhau lâu dài.

Nếu như thời xưa hôn nhân là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, cốt sao cho “môn đăng hộ đối” thì thời nay người trẻ đã phần nào thay đổi quan điểm này. Họ độc lập sớm nên có thể tự quyết định hôn nhân của cuộc đời mình mà không cần phải xét đến yếu tố gia cảnh. Họ xem tình yêu là quan trọng hơn hết, luôn dốc lòng xây dựng nền tảng hôn nhân hạnh phúc từ sự chân thành. Vậy nên có lẽ các gia đình hiện đại cũng đã suy nghĩ “nhẹ nhàng” hơn về vấn đề này.

Vì sao quan niệm “môn đăng hộ đối” được quan tâm?

Lý do vì sao khi đề cập đến “môn đăng hộ đối”, người ta thường nói về hôn nhân chứ không nói về tình yêu? Vì hầu hết các ý kiến cho rằng cho rằng tình yêu và hôn nhân khác nhau. Yêu thì có thể là chuyện của 2 người, nhưng hôn nhân đại sự thì cần nhiều hơn thế. Cuộc sống vợ chồng có hạnh phúc hay không không chỉ phụ thuộc vào tình yêu; mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Vậy nên tình yêu không cần “môn đang hộ đối” nhưng hôn nhân lại cần.

Tình yêu không cần “môn đang hộ đối” nhưng hôn nhân lại cần!

Trong tư tưởng “môn đăng hộ đối” thời hiện đại, ngoài kinh tế và trình độ văn hóa cùng hoàn cảnh của gia đình nhà trai, nhà gái được nhắc đến khá nhiều. Phân tích rộng ra, dễ thấy con người sống trong hoàn cảnh khác nhau thường có nhân sinh quan khác nhau, trình độ khác nhau thì sở thích, quan điểm cá nhân,… cũng có sự khác biệt. Khi khoảng cách của các yếu tố này quá lớn, 2 người sẽ khó tìm được điểm chung, dễ bất đồng và xảy ra xung đột.

Ngược lại, khi 2 người có cùng nhân sinh quan, thế giới quan và giá trị quan thì mới dễ đồng cảm, hạnh phúc, gia đình 2 bên mới dễ hòa hợp trở thành “thông gia”. Đó chính là giá trị thực sự của “môn đang hộ đối”! Chính vì vậy, xem xét trên một khía cạnh nào đó thì tư tưởng “môn đăng hộ đối” vẫn có thể đồng hành với cuộc sống hiện đại. Chính bản thân sự tồn tại của quan niệm này cũng cho ta thấy vai trò của sự cân bằng, tương xứng trong hôn nhân.

Á Hậu “bất hạnh nhất” xứ sở kim chi Go Hyun Jung và bài học về sự môn đăng hộ đối trong hôn nhân

Tất nhiên, người ta có thể dẫn ra ngàn trường hợp riêng biệt để bác bỏ quan niệm này, nhưng thực tế chứng minh “trong tình yêu và hôn nhân, chết vì nhau vẫn dễ dàng hơn là phải sống trọn đời bên nhau”. Chính bối cảnh văn hóa, giáo dục khác nhau của 2 gia đình sẽ dẫn đến cách hành xử khác nhau của mỗi người. Đồng thời, tập quán sinh hoạt khác nhau sẽ hình thành tính cách khác biệt đến nỗi khiến cho người ta nhiều khi trở nên xa lạ và khó thấu hiểu cho nhau, điều này đã gây những “cú sốc nghiêm” trọng trong cuộc hôn nhân. Vì thế mà “môn đăng hộ đối” cũng là hoàn toàn có cơ sở.

Qua bài viết trên. mong là bạn đã biết môn đăng hộ đối là gì cũng như quan niệm về môn đăng hộ đối thời xưa và thời nay. Đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại với nhiều thay đổi, quan điểm cổ xưa có thể không còn hoàn toàn phù hợp nhưng chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà chúng tồn tại cho đến tận ngày nay. Thế nên, nhiệm vụ của thế hệ trẻ chính là chắt lọc những tinh hoa, kinh nghiệm sống hữu ích để vận dụng một cách phù hợp!

Xem thêm:: Mãi mận nghĩa là gì?

About Phạm Xuân Thanh

Tôi là Phạm Xuân Thanh – Tôi đã có kinh nghiệm hơn 3 năm review đánh giá về các loại máy móc công nghiệp, thiết bị vệ sinh công nghiệp, cách chăm sóc xe hơi. Tôi hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về các công dụng, chức năng của các loại thiết bị công nghiệp và các cách chăm sóc xe hơi này.

View all posts by Phạm Xuân Thanh →